- Published on
Học tiếng Anh thụ động
Mình chỉ nghiêm túc bắt đầu học tiếng Anh từ năm lớp 12, và giờ đã là gần 10 năm mình tự tạo thói quen sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Gia đình mình không có điều kiện và bản thân cũng không dám xin bố mẹ vài chục triệu để theo học trung tâm. Tuy nhiên, mình vẫn có bằng TOEIC 910 và bằng IELTS 7.0 mà chính mình cũng không ngờ tới. Trong bài viết này, mình xin chia sẻ vài típ học tiếng anh tại nhà một cách thụ động cho các bạn mà mình đã làm.
Kết quả mình thi IELTS lần đầu tiên sau 2 tuần chuẩn bị.
Bắt đầu
Năm lớp 12 mình bắt đầu lao vào ôn thi Đại học, mình thi khối A và thực sự rất sợ môn Hoá. Bất cứ bài kiểm tra Hoá nào mình cũng không thể đạt nổi trên 5 vì không nhớ được bảng hoá trị và các công thức hoá học lằng nhằng. Anh trai mình đã khuyên và định hướng mình sang thi A1, thay môn Hoá bằng môn tiếng Anh. Và đấy là khi mình bắt đầu có sự nghiêm túc trong việc học tiếng Anh.
Khai sáng
Mình phải cám ơn anh trai rất nhiều, vì chính ông í là người làm mình vỡ lẽ phương pháp học chuẩn đầu tiên. Có ba điểm khai sáng mà đã thay đổi cách mình học tiếng Anh mãi mãi:
- Cách phát âm: thông thường ở các trường phổ thông, các thầy cô vẫn dạy theo hướng đọc từ và để học sinh nhại lại. Đây là một cách dạy rất sai khi để học sinh nghe với bản năng của người Việt và phát âm theo phong cách Vietlish. Khác với tiếng Việt, tiếng Anh được cấu thành bởi nhiều âm lẻ khác nhau để tạo thành một từ hoàn chỉnh. Mình đã được luyện rất nhiều với chuỗi video English with Jennifer
- Cách học từ mới: Với cách học tiếng anh ở các trường phổ thông, mình đã quen với việc sử dụng từ điển Anh Việt. Đây là cách học ổn với người mới bắt đầu. Tuy nhiên để tạo ra điểm bật phá thì chúng ta cần thay đổi hướng tiếp cận, sử dụng từ điển Anh Anh như Oxford Dictionary. Về bản chất, hai ngôn ngữ khác nhau sẽ có cách diễn đạt rất khác nhau và khó tìm được hai từ đồng nghĩa. Với việc sử dụng từ điển Anh Anh, các bạn sẽ dễ dàng nắm được cách miêu tả một từ lạ thông qua các từ đơn giản đã biết. Như vậy, các bạn cũng đồng thời rèn luyện được khả năng miêu tả một khái niệm phức tạp bằng các từ ngữ đơn giản vốn có.
- Học mà chơi: Trong suốt thời gian được tiếp xúc với tiếng Anh, mình rất thích nghe nhạc Âu Mỹ như Eminem, Westlife, James Blunt. Mặc dù bản thân nghe không hiểu một từ nào, nhưng mình vẫn rất yêu thích giai điệu và luôn nhẩm lời bài hát theo trí nhớ. Đây cũng là một bước rất quan trọng để bộ não bạn có cảm giác và cảm nhận tốt hơn với ngôn ngữ mới. Điều đặc biệt là bạn luyện như một cách giải trí, và có thể làm hàng ngày trong vô thức. Ngoài ra xem phim cũng là một cách rất hay để khiến việc học tiếng Anh không quá áp lực, bộ phim tiếng Anh đầu tiên mình coi là bộ sitcom Extr@, rất hợp với các bạn học tiếng Anh từ con số 0. Phim gồm bốn người bạn giao tiếp với nhau bằng những từ ngữ rất đơn giản, và kết thúc mỗi tập phim là tổng kết từ vựng kèm cú pháp.
Xem phim
Bản thân mình hoàn toàn không có ý niệm ngồi học tiếng Anh như một công việc hàng ngày, đơn giản vì mình thấy rất tẻ nhạt. Những lần mình học tiếng Anh với sách vở đều là trước kì thi như thi TOEIC, IELTS hay thi Đại học. Tuy nhiên, mình rất may mắn khi tìm được một cách học thụ động trong suốt vài năm qua... Đó là xem phim sitcom Mỹ. Nổi bật nhất là hai bộ How I Met Your Mother và Friends. Ban đầu, mình chỉ xem vì tò mò và rất nhiều thời gian rảnh. Bộ sitcom đầu tiên mình xem là How I Met Your Mother, mình đã phải xem đi xem lại đến 6 7 lần, đến mức thuộc luôn kịch bản. Lần đầu tiên, mình xem phim với phụ đề tiếng Việt. Lần thứ hai, mình xem phim với phụ đề tiếng Anh. Lần thứ ba, mình xem phim tắt phụ đề vì đã thuộc luôn kịch bản rồi... Xem sitcom rất hay vì các cuộc đối thoại mang tính đời thường rất nhiều, và tính giải trí cũng rất cao. Nếu tính thời gian xem phim sitcom của mình thì chắc phải hơn 10.000 giờ. Đây cũng chính là bí kíp mình đạt full điểm nghe TOEIC và 8.0 IELTS Listening, tác dụng phụ của xem phim sitcom Mỹ quá nhiều! Các bạn cũng nên lưu ý cách này chỉ đúng với mình, các bạn nên xem những bộ phim dài tập khác mà các bạn thích đến mức có thể xem đi xem lại không ngán.
Nếu bạn là fan của Friends, thì nhìn bức ảnh này thôi cũng phát ra tiếng.
Môi trường mới
Đi học trên Hà Nội cho mình nhận ra rất nhiều điều... mình là ếch ngồi đáy giếng. Mặc dù học ở lớp chuyên Hoà Bình, mình khá tự tin về khả năng tiếng Anh. Nhưng khi được tiếp xúc với các bạn sinh viên Hà Nội, mình mới thấy tự ti đến nhường nào. Bài kiểm tra đầu vào chia lớp của mình là thi TOEIC, trong khi mình loay hoay chưa làm xong bài thì bạn cùng phòng đã ra khỏi phòng thi với số điểm tuyệt đối. Và tất nhiên, mình chỉ đạt hơn 300 TOEIC và được chia vào lớp kém tiếng Anh. Và đấy cũng là lúc mình nhận ra được vị thế của bản thân và thấy rằng cần cố gắng hơn nữa.
Đi học Đại học Bách Khoa cũng cho mình rất nhiều cơ hội được đi trao đổi nước ngoài. Trộm vía mình có dành được học bổng đi Nhật, Phần Lan, và Indonesia. Đây là những lúc mình cảm thấy bao nhiêu công sức học tiếng Anh bấy lâu bắt đầu có tác dụng. Và mình cũng rất shock, có những thời điểm mình không biết phải miêu tả thứ mình muốn cho các bạn nước ngoài như nào. Đến giờ, khi xem lại video cũ, mình còn không biết mình đang nói gì và thấy khá xấu hổ. Đôi khi, mình chỉ muốn chui đầu xuống đất và cày nhiều tiếng Anh hơn nữa.
Nghiên cứu
Mình học Công nghệ thông tin và hầu hết tất cả tài liệu nghiên cứu của mình đều viết bằng tiếng Anh. Mình coi đây cũng là một điều may mắn của bản thân, vì mình nhận ra được lý do tại sao phải học tiếng Anh. Thực sự, đến khi mình làm Kỹ sư AI ở FPT, mình thấy môi trường vẫn còn rất nhiều người phải phụ thuộc vào tài liệu tiếng Việt như một giới hạn bản thân. Biết tiếng Anh như mở ra một thế giới phẳng. Mọi khoá học, mọi tài liệu, mọi chủ đề đều có thể tìm thấy miễn phí, miễn là bạn biết tiếng Anh. Mình yêu thích công việc mình đang làm và mình nghiên cứu nó hằng ngày. Tiếng Anh như một phương tiện giúp mình tiếp cận tri thức mới nhất của thế giới, mở ra một chân trời mới.
Ôn thi
Mình không có quá nhiều tip ôn thi tiếng Anh TOEIC hay IELTS, vì gần như mình không có phương pháp học cụ thể. Mình chỉ dành ra 3 ngày luyện đề thi thử đối với thi TOEIC (910), và 14 ngày luyện đề thi thử đối với thi IELTS (7.0). Bí kíp duy nhất của mình là mình sử dụng tiếng Anh hàng ngày, lí do tại sao điểm Reading và Listening của mình khá cao. Tuy nhiên, nếu có thi lại IELTS thì đây sẽ là chiến lược của mình:
- Mình sử dụng Prep để ôn luyện kỹ năng Listening và Reading. Mình rất biết ơn vì trang Prep cho rất nhiều đề Cambridge và hoàn toàn miễn phí. Mình có thể luyện đề rất tiện, phòng thi ảo cùng với việc chấm điểm kèm đáp án giúp mình tăng hiệu suất làm 1 đề 1 ngày đáng kể. Điểm Listening và Reading của mình ban đầu chỉ dừng ở mức 6.0-7.0, nhưng sau quá trình ôn luyện cường độ cao và tập trung vào việc quản lí thời gian, mình đã có thể nâng thêm 1 band lên 7.5-8.0.
- Mình sử dụng 2 công cụ AI miễn phí ôn Writing: Grammarly để sửa lỗi grammar và vocabulary, ChatGPT để chấm điểm Writing kèm gợi í bài sample. Mình thấy khá thú vị khi ChatGPT có thể đưa ra các bài sample hay hơn các bài viết sẵn trên mạng, ngoài ra bạn có thể yêu cầu ChatGPT viết theo style và độ dài bạn mong muốn. Dựa vào việc đó, bạn có thể cải thiện kỹ năng Writing lên rất nhiều và mình đã nâng được 1 band nhờ kỹ thuật đó. Lúc đầu thì ChatGPT toàn chấm mình 4.0-5.0 thôi, nhưng nhờ việc chú ý grammar/vocabulary + triển khai ý tốt hơn, mình nâng được lên 5.5-6.5.
- Mình sử dụng Elsa Speaking để rèn luyện phát âm và sử dụng Speech Analyzer cho các đề IELTS Speaking mẫu. Tool này thì không free nhưng mình đánh giá là rẻ và nên mua, mình đăng ký trọn đời với giá chỉ 1.595.000đ. Mình cũng có sử dụng TheCoach với khả năng trò chuyện với AI, nhưng bản thân mình thấy Elsa Speaking vẫn phù hợp hơn cho việc luyện IELTS với IELTS Speaking Score Predictor. Mình dành ra 1 đến 2 tiếng mỗi ngày thì nâng được điểm dự đoán từ 5.0 lên 7.0.
Kết luận
Để chạy 100km trong 1 ngày rất khó, nhưng chạy 1km trong 100 ngày thì sẽ dễ hơn nhiều. Bí kíp thành công mọi thứ đối với mình đều nằm ở sự kiên trì và tích luỹ. Rất mong các bạn tìm được cách 'enjoy cái moment này' khi học tiếng Anh đều đặn hàng ngày.